Chăm sóc bệnh nhân ung thư

Chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà

Rất nhiều bệnh nhân ung thư cần được quan tâm, chăm sóc tại nhà nhiều hơn tại bệnh viện, điều này đồng nghĩa trách nhiệm mà người nhà bệnh nhân gánh vác sẽ tương đối lớn.

1. Chăm sóc tâm lý cho bệnh nhân ung thư

Chấp nhận căn bệnh ung thư cũng như chung sống với nó trong phần đời còn lại với nhiều bệnh nhân thực sự là một thử thách. Giúp họ lấy lại được sự cân bằng tâm lý là một điều quan trọng trong quá trình chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà, qua những phương pháp sau:

  • Trò chuyện: một trong những việc quan trọng nhất người thân nên làm với bệnh nhân ung thư là trò chuyện, tâm sự, bởi bệnh nhân ung thư rất dễ bi quan, thu mình và dần trở nên tuyệt vọng. Hãy trò chuyện nhiều hơn mỗi khi có thể, hãy để bệnh nhân là trung tâm của cuộc nói chuyện, hãy cố gắng lắng nghe, tôn trọng và thấu hiểu bệnh nhân. Hãy để bệnh nhân cảm thấy được cảm thông, chia sẻ, và những cuộc nói chuyện cởi mở sẽ giúp bệnh nhân dần lấy lại được tinh thần. Cần lưu ý tới những dấu hiệu bệnh nhân muốn tự sát và thông báo cho các thành viên khác trong gia đình để tất cả mọi người cùng cảnh giác.
  • Giúp bệnh nhân ung thư tham gia các hoạt động ưa thích: dù ngay cả khi bệnh nhân không còn đủ sức khỏe để tham gia các hoạt động ưa thích trước đây, hãy tìm một cách nào đó để họ cảm thấy bản thân vẫn tham gia được vào hoạt động đó. Điều này giúp bệnh nhân duy trì sự gắn kết với xã hội cũng như cảm thấy cuộc sống hiện tại không quá tồi tệ so với cuộc sống thường ngày trước khi mắc bệnh của họ.
  • Nhận ra dấu hiệu bệnh nhân cần được trợ giúp: bệnh nhân ung thư có thể trải qua rất nhiều cảm xúc khác nhau, như buồn rầu, căng thẳng, tức giận, lo âu, tuyệt vọng,… Do đó khi nhận thấy cảm xúc của bệnh nhân bất ổn, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ cho bệnh nhân từ tư vấn viên, chuyên gia tâm lý, bác sĩ, hoặc các biện pháp giúp bệnh nhân thư giãn. Nếu người chăm sóc cảm thấy căng thẳng, hãy tìm cách lấy lại cân bằng cho bản thân trước, bởi người chăm sóc khỏe mạnh mới có thể chăm sóc cho bệnh nhân tốt.
  • Chấp nhận những khó khăn của bệnh nhân: hãy luôn tâm niệm người bệnh đang phải trải qua thực tại khó khăn, và họ bị bệnh tật giới hạn nhiều khía cạnh, ví dụ như sau hóa trị họ không cảm nhận được vị ngon của món ăn mà người chăm sóc đã bỏ nhiều công sức chuẩn bị. Do đó bệnh nhân cần được thấu hiểu và cảm thông.

2. Tham gia quá trình chăm sóc y tế và thể chất

Người thân hoàn toàn có thể chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà cả về mặt y tế và thể chất. Để giúp hình dung dễ dàng hơn cũng như để có sự chuẩn bị tốt hơn, có thể tham khảo hướng dẫn sau đây:

Tìm hiểu về căn bệnh của bệnh nhân: hãy tìm hiểu các thông tin, kiến thức về căn bệnh ung thư mà bệnh nhân mắc phải, hãy tham vấn bác sĩ để có được những thông tin chính xác về căn bệnh, về chẩn đoán, điều trị, quá trình theo dõi cũng như tiên lượng của bệnh nhân.

Đưa bệnh nhân đi khám: chủ động hỗ trợ đưa bệnh nhân đi khám, tham vấn với bác sĩ mọi thắc mắc về tình trạng của bệnh nhân, cung cấp cho bác sĩ những thông tin cần thiết để hỗ trợ bác sĩ trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.

Lưu giữ hồ sơ: hãy giữ cẩn thận hồ sơ của bệnh nhân, bao gồm lịch hẹn khám, kết quả xét nghiệm, thuốc và cách dùng, liều dùng, các triệu chứng của bệnh nhân, những tác dụng không mong muốn của thuốc mà bệnh nhân gặp phải, số điện thoại của bác sĩ,…

Biết cách chăm sóc thể chất cho bệnh nhân: một số bệnh nhân bị giới hạn trong sinh hoạt thường ngày, như không thể tự tắm rửa, thay quần áo, ăn uống, đi vệ sinh,… Hãy giúp đỡ khi họ cần, nếu chưa biết cách làm hãy xin chỉ dẫn từ người có chuyên môn, xem video làm mẫu hoặc đọc các tài liệu hướng dẫn.

Biết cách chăm sóc y tế cho bệnh nhân: người thân hoàn toàn có thể học cách trợ giúp về mặt y tế cho bệnh nhân, như băng bó và chăm sóc vết thương, chăm sóc catheter, giúp bệnh nhân uống thuốc,… Hãy tham vấn bác sĩ cách trợ giúp và chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà một cách tốt, an toàn nhất.

Theo dõi các triệu chứng và tác dụng không mong muốn của thuốc: hãy thông báo cho bác sĩ mọi triệu chứng và tác dụng không mong muốn của thuốc xuất hiện trên bệnh nhân. Hãy khuyến khích bệnh nhân cho bác sĩ biết tất cả mọi triệu chứng bệnh nhân gặp phải (bệnh nhân thường bỏ qua một số triệu chứng, chỉ cung cấp những triệu chứng hay gặp nhất hoặc khó chịu nhất), để bác sĩ đưa ra cách giải quyết. Đừng quên thông báo cho bác sĩ khi có triệu chứng mới xuất hiện. Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư tại nhà sẽ giúp bệnh nhân giảm bớt các khó chịu, đặc biệt là khi chăm sóc bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

Theo dõi việc sử dụng thuốc của bệnh nhân: bệnh nhân ung thư thường phải sử dụng khá nhiều loại thuốc. Việc tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ là rất quan trọng, do đó nên lập danh sách hoặc kẻ bảng với những nội dung sau để giúp theo dõi thuận tiện hơn:

  • Tên thuốc
  • Liều thuốc
  • Thời gian dùng thuốc
  • Đường dùng thuốc
  • Lưu ý khi dùng thuốc (như uống sau khi ăn, uống khi đói,…)
  • Các tác dụng không mong muốn (nếu có)
  • Tên bác sĩ chỉ định và cách liên hệ khi cần

Tham khảo dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp: đôi khi việc chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà bị gián đoạn bởi một lí do nào đó, người thân có thể tham khảo các dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp (nếu có).

Tìm kiếm sự giúp đỡ: bệnh nhân có thể có rất nhiều nhu cầu và mong muốn khác nhau mà người chăm sóc không đáp ứng hết được, hãy tìm những người có thể giúp đỡ được, có thể là bạn bè, họ hàng, hàng xóm hay kể cả những tình nguyện viên. Hãy chia sẻ gánh vác với người khác, tránh để người chăm sóc bị căng thẳng quá mức.

3. Quản lý tài chính và những vấn đề khác

Chăm sóc bệnh nhân ung thư sẽ tốn khá nhiều chi phí, do đó lên kế hoạch quản lý tài chính chi tiết sẽ giúp ích cho toàn bộ quá trình điều trị của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có bảo hiểm y tế thì gánh nặng tài chính sẽ đỡ đi rất nhiều. Với bệnh nhân tình trạng quá nặng cũng sẽ có một số việc phải làm. Hãy tham khảo những hướng dẫn dưới đây:

  • Là người đại diện cho bệnh nhân với công ty bảo hiểm: nếu tình trạng bệnh tật khiến bệnh nhân không thể tự giao dịch với bên bảo hiểm, hãy đề nghị bệnh nhân ủy quyền để làm đại diện hợp pháp, từ đó mọi vấn đề liên quan tới công ty bảo hiểm có thể được giải quyết dễ dàng hơn.
  • Tìm hiểu rõ về điều khoản bảo hiểm: hãy nắm rõ điều khoản thỏa thuận cũng như danh mục bảo hiểm chi trả để có kế hoạch tài chính tốt hơn.
  • Theo dõi chi phí: hãy giữ tất cả các hóa đơn thanh toán viện phí, hóa đơn tiền thuốc,… để vừa theo dõi kế hoạch tài chính vừa làm căn cứ thanh toán bảo hiểm.
  • Đối với bệnh nhân tình trạng quá nặng: hãy hỏi bệnh nhân còn những gì muốn thực hiện, di nguyện sau khi qua đời là gì. Hãy thông báo cho tất cả những người thân có thể thông báo để cùng lắng nghe và ghi nhận di nguyện của bệnh nhân, đồng thời trao đổi những công việc phải làm sau khi bệnh nhân qua đời.

Đặt lịch khám và được tư vấn khám bệnh tại nhà Hotline: 0978 800115

Đánh giá