Béo phì - Nguy cơ của các bệnh nan y

Béo phì - Nguy cơ của các bệnh nan y

Béo phì là sự tích tụ mỡ quá nhiều ở các cơ quan trong cơ thể. Chúng ta dễ dàng phát hiện tình trạng béo phì bằng chỉ số BMI, nhưng  việc giảm cân điều trị béo phì là hành động có yêu cầu cao về lý trí.

Chỉ số BMI (Body Mass Index), được tính bằng cân nặng (kg) chia cho  chiều cao (mét) bình phương. Theo WHO, cá nhân nào có BMI trên 25 đến dưới 30 là tiền béo phì (thừa cân), BMI trên 30 là bị béo phì.

Nguyên nhân béo phì là do số năng lượng (calo) ăn vào nhiều hơn số năng lượng (calo) tiêu hao qua các hoạt động cơ thể hàng ngày.

Hiện nay, số người béo phì gia tăng  gây ra nhiều hậu quả xấu về sức khỏe, kinh tế xã hội. Vì sao như vậy?

Vì béo phì là yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ra các bệnh nguy hiểm, nan y. Bệnh tim mạch với nguy cơ đột quy, bệnh tiểu đường với các biến chứng bất hồi phục, bệnh ung thư vú, ung thư đại tràng, bệnh thoái hóa xương khớp.

Trẻ con bị béo phì còn ảnh hưởng đến tâm lý.

Giảm cân điều trị béo phì bằng cách nào?

Nguyên nhân béo phì là mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu thụ. Điều trị béo phì sẽ dựa trên nguyên nhân, giảm năng lượng ăn vào và tăng năng lượng tiêu hao.

Chế độ ăn ít đường, mỡ với nhiều rau, trái cây để giảm năng lượng đầu vô.

Hoạt động thể lực nhiều: ít ngồi một chỗ, tập thể dục đều đặn để tăng số calo tiêu hao.

Đây chỉ là lý thuyết, trên thực tế số người béo phì  giảm được cân nặng rất hiếm vì ăn uống là một chuyện thích thú. Nhà Phật đã liệt ăn uống vào nhóm Ngũ Dục, bao gồm: Tài-Danh-Sắc-Thực-Thụy, mà các Phật tử cần phải  hóa giải.

Để giảm được cân nặng, chúng ta cần có một kế hoạch với đầy đủ các thành phần như mục đích, mục tiêu, lộ trình, các bài tập thể dục, thực đơn,…

Trong bản kế hoạch giảm cân việc xác định mục đích,  mục tiêu là quan trọng nhất vì sau khi thay đổi được nhận thức, chúng ta mới có hành động thích hợp cho đến khi đạt kết quả như mong đợi.

Bác Sĩ Gia Đình Sài Gòn